Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị

Ngày 20/7, Cục QLTT Long An triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, cung ứng hàng hóa tại các cửa hàng kinh doanh tiện lợi, siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Ngày 20/7, Cục QLTT Long An triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, cung ứng hàng hóa tại các cửa hàng kinh doanh tiện lợi, siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh Long An đáp ứng như cầu tiêu dùng của người dân trong thời điểm thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để chủ động trong công tác dự báo tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong thơi gian thực hiện giản cách xã hội, Cục QLTT tỉnh Long An chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, cung ứng hàng hóa tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn phụ trách.

Đội QLTT số 5 kiểm tra 1 cửa hàng BHX trên địa bàn huyện Thạnh Hóa

Theo đó, trong ngày 20/7, các Đội QLTT tiến hành kiểm tra, giám sát tại 40 cửa hàng tiện lợi, siêu thị (Bánh Hóa Xanh, San Hà, Vinmart, Coop) trên địa bàn. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, hàng hóa tại các cửa hàng tương đối đầy đủ, nhất là các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, trứng gia cầm các loại. Theo thông tin từ người đại diện tại các cửa hàng, sau thời điểm tạm dừng hoạt động các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh để phòng chống dịch Covid-19 (từ thời điểm 12/7), sức mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng mạnh, dẫn đến tình trạng “khan hiếm” cục bộ một số mặt hàng như rau, củ, quả, thịt, trứng và một số hàng hóa đã qua chế biến như mì gói, cháo, cá hộp, thịt hộp.... Thời gian thiếu hàng cục bộ kéo dài từ ngày 12/7 đến ngày 17/7, thời điểm này, giá nhiều loại hàng hóa cũng tăng khá cao, tăng từ 20% đến 40%, một số mặt hàng như rau, củ, quả tăng đến 50% so với thời điểm trước ngày 01/7/2021 (từ 15.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg). Từ ngày 18/7 đến nay, sức mua tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị giảm mạnh và không còn xảy ra tình trạng “khan hiếm” hàng hóa, nguồn hàng hóa tại đây tương đối đầy đủ, từ rau, củ, quả, lương thực, thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, trứng các loại, các mặt hàng đã qua chế biến cũng tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, qua tham khảo giá niêm yết của nhiều loại hàng hóa, thì giá các loại hàng hóa vẫn ở mức cao so với thời điểm trước ngày 01/7/2021. Theo người đại diện của các cửa hàng, nguyên nhân hàng hóa vẫn giữ mức cao không giảm là do việc áp dụng giản cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tại nhiều địa phương, nên chi phí vận chuyển và các chi phí đầu vào khác tăng cao, do đó, giá nhiều loại hàng hóa chưa có dấu hiệu giảm.

Mặt hàng rau, củ quả tại 1 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn huyện

Mặc dù giá hàng hóa thiết yếu còn ở mức cao, nhưng với nguồn hàng hóa hiện tại luôn đảm bảo, đáp ứng phục vụ nhân dân trong thời điểm các chợ truyền thống tạm dừng hoạt động.

Giá mặt hàng thịt heo tại cửa hàng tiện lợi

Trong thời gian tới, Cục QLTT tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá; lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá trục lợi. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nắm chắt tình hình, nguồn hàng hóa thiết yếu, dự báo nguồn cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng “khan hiếm” hàng hóa, tăng giá hàng hóa bất hợp lý trong thời gian các chợ truyền thống tạm dừng hoạt động.

Một số hình ảnh ghi nhận tại các cửa hàng tiện lợi

 

 

 

Nguyễn Duy Tuấn
Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An