Chỉ đạo phối hợp kiểm tra phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan diện rộng
Theo đó, Cục Quản lý thị trường yêu cầu các Đội Quản lý thị trường: Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Y tế tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ lợn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đồng thời thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn Châu Phi; Cử cán bộ, kiểm soát viên tham gia trực tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra - vào địa bàn; Tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, trong đó tập trung vào địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thịt lợn mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất phát từ vùng dịch, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y.
Ngoài ra, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 10/3/2019, trên địa bàn huyện Bến Lức được thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Hai chốt kiểm dịch được đặt tại Trạm thu phí Bến Lức, cao tốc TP.HCM – Trung Lương thuộc xã An Thạnh và tại ngã 5 Đường tỉnh 830C thuộc xã Tân Bửu. Hai chốt trên hoạt động 24/24 giờ, bắt đầu từ 14 giờ ngày 10/3/2019 đến khi công bố hết dịch. Cục Quản lý thị trường cử kiểm soát viên tham gia cùng các lực lượng lực lượng của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Công an huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, dân quân, dân phòng địa phương trực tại 02 chốt trên.
Chốt kiểm dịch có nhiệm vụ kiểm tra chặt chẽ nguồn heo qua địa bàn huyện; tổ chức phun thuốc sát trùng để tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật là heo đi qua địa bàn huyện; xử lý, tiêu hủy khi phát hiện heo và các sản phẩm từ heo mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các bệnh dịch nguy hiểm khác trên gia súc, gia cầm./.